Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh                                                                                                                                                                 Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả                                                                                                                                                                 Đoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phát, phát triển                                                                                                                                                                 Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn

Ngày 17/6/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.  Tuy nhiên, quá trình áp dụng đã hơn 02 năm vẫn còn nhiều người dùng mạng xã hội đã vi phạm Bộ Quy tắc dẫn đến bị xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có cả những người nổi tiếng, người có chuyên môn về pháp luật. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dùng mạng xã hội chưa kịp thời nắm bắt, chưa hiểu đầy đủ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng như các quy định của pháp luật. Do đó, để tuyên truyền, giáo dục pháp luật, lan tỏa ý thức chấp hành các quy định trong Bộ Quy tắc một cách rộng rãi hơn, triệt để hơn, sâu sát hơn trong ngành Kiểm sát nhân dân hai cấp tỉnh Trà Vinh, được sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, Phòng Tổ chức cán bộ phối hợp với Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử VKSND tỉnh đăng tải nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời tổng hợp một số thông tin cần thiết để công chức và người lao động VKSND hai cấp của tỉnh nắm, thực hiện nghiêm chỉnh, tạo thói quen ứng xử phù hợp, có trách nhiệm trên không gian mạng nhằm bảo vệ hình ảnh và uy tín của Ngành trong thời gian tới.

1. Các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội gồm có 3 Chương 9 Điều, quy định ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ về mục đích, phạm vi và đối tượng điều chỉnh, các nội dung quy tắc ứng xử và việc tổ chức thực hiện. Trong đó, các quy tắc ứng xử là nội dung trọng tâm được quy định tại Chương II từ Điều 3 đến Điều 7 của Bộ Quy tắc gồm: Quy tắc ứng xử chung; Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân; Quy tắc ứng xử cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các cơ quan nhà nước; Quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

Link toàn văn Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Quyet-dinh-874-QD-BTTTT-2021-Bo-Quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-478154.aspx

  

2. Một số chế tài được áp dụng đối với hành vi vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

​Đối với hành vi vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Các quy định có thể được áp dụng gồm: Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự;… Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều chế tài đối với một hành vi vi phạm.

Chế tài hành chính

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định cụ thể từng nhóm hành vi, các mức xử phạt tương ứng đối với việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội tại Điều 100 như sau:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;

đ) Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;

e) Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm;

g) Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;

h) Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”.

Chế tài hình sự

Hành vi vi phạm bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có dấu hiệu tội phạm sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự, một số tội danh cụ thể như:

– Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội sẽ bị xử phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Hành vi sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vu khống theo điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị xử phạt tù từ 01 năm đến 03 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đến 50 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật để thu lợi bất chính từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 288 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị xử phạt tiền từ 30 triệu đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù mức cao nhất lên đến 07 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý với mục đích nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị xử lý về tội Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị xử phạt tù từ 05 đến 12 năm; trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm; nếu chuẩn bị phạm tội thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

– Hành vi sử dụng mạng xã hội để làm, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù mức cao nhất lên đến 15 năm và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 05 triệu đến 30 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Trong các trường hợp khác tùy vào mục đích, tính chất hành vi sử dụng mạng xã hội và mối liên hệ với các tội phạm khác mà bị xử lý với tội danh và hình phạt tương ứng. Chẳng hạn như: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật hình sự; các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông quy định tại Mục 2 Chương XXI của Bộ luật Hình sự; tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự; tội “Đánh bạc” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 321 Bộ luật Hình sự; tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 322 Bộ luật Hình sự; tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự; tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự; tội “Vô ý làm lộ bí mật nhà nước” quy định tại Điều 338 Bộ luật Hình sự; v.v…

Xử lý kỷ luật

Căn cứ vào nội quy, quy chế cơ quan, tổ chức, người vi phạm là thành viên của cơ quan, tổ chức đó có thể bị xử lý kỷ luật với các hình thức theo quy định. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị – xã hội có thể bị xem xét xử lý kỷ luật theo các quy định của Đảng, Nhà nước, của Ngành và cơ quan, đơn vị. Nếu đảng viên vi phạm những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội thì họ cũng đồng thời vi phạm những điều đảng viên không được làm cụ thể như: Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép (Điều 1 Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương – gọi tắt là Quy định 37); Cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tàng trữ, tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát thông tin, tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những thông tin, quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (Điều 4 Quy định số 37); Viết bài hoặc cung cấp tài liệu cho người khác viết, nói, cho đăng tải tin, bài sai sự thật, không đăng tải ý kiến phản hồi, cải chính theo quy định. Sáng tác, sản xuất, tàng trữ, tán phát các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật không lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, mang tính kích động gây ảnh hưởng xấu trong xã hội; tán phát bài viết, bài nói, phỏng vấn, hồi ký, phim, ảnh không đúng quy định (Điều 6 Quy định số 37);…

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Cùng với các chế tài về hành chính, hình sự và xử lý kỷ luật, người thực hiện hành vi vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nếu gây ra thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Chương XX Bộ luật Dân sự.

Ví dụ: Hành vi đăng tải thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác (vi phạm khoản 6 Điều 4 Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội) nếu bị khởi kiện thì phải bồi thường thiệt hại theo Điều 592 Bộ luật Dân sự, bao gồm các khoản: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài các chi phí trên, người có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

3. Những vấn đề cần lưu ý khi hành xử trên không gian mạng

Một là, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 29/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh về việc tiếp cận, xử lý và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn tỉnh; Nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác nghiên cứu, tìm hiểu để nắm vững và tuân thủ nghiêm các nội dung của Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. “Tôn trọng, tuân thủ pháp luật”, “Lành mạnh”, “Trách nhiệm” và chấp hành tuyệt đối quy tắc “An toàn và bảo mật thông tin”.

Hai là, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến các nội dung Bộ Quy tắc trong cộng đồng, gia đình, Nhân dân nơi cư trú, đồng thời chia sẻ lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng. Kịp thời nhắc nhở, kiên quyết đấu tranh đối với các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và các tác động tiêu cực trong xã hội.

Ba là, cẩn trọng trong các thao tác trên mạng xã hội. Khi thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử của cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok,… phải chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan. Không tặng cho, mượn – cho mượn, thuê – cho thuê, mua bán, thế chấp – nhận thế chấp trang thông tin điện tử cá nhân của mình và của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, khi phát hiện trang thông tin điện tử cá nhân mình có dấu hiệu bất thường, bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, bị lợi dụng cho mục đích xấu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, đến quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải dừng ngay hoạt động (khóa tài khoản tạm thời), kịp thời thông báo cấp ủy, cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ.

Năm là, chủ động đính chính thông tin, gỡ bỏ thông tin, ngăn chặn truy cập các bình luận tiêu cực, sai sự thật hoặc gây hiểu lầm về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tổ chức và cá nhân khác, nhất là thông tin cá nhân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm trên trang thông tin điện tử cá nhân của mình hoặc các trang, nhóm do mình tương tác trong thời gian sớm nhất. Không tham gia bình luận tiêu cực, sai trái tại các trang mà mình tương tác.

Sáu là, giữ vững lập trường, quan điểm chính trị, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của người cán bộ, đảng viên. Đảm bảo kỷ luật phát ngôn; thực hiện nghiêm Quy tắc chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Kiểm sát; lấy tinh thần “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” theo lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát nhân dân làm tôn chỉ trong quá trình sử dụng mạng xã hội./.

 

Thực hiện:

– Chỉ đạo thực hiện: Nguyễn Văn Tùng – Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh.

– Biên tập, tổng hợp nội dung: Trần Thanh Lan, Diệp Minh Quân – Phòng Tổ chức cán bộ VKSND tỉnh Trà Vinh.

– Phối hợp thực hiện: Thái Hiệp Hùng – Văn phòng tổng hợp, phụ trách Ban Biên tập VKSND tỉnh Trà Vinh.

– Nguồn ảnh đồ họa: Trang thông tin điện tử Tập đoàn Điện lực Việt Nam (link: https://www.evn.com.vn/d6/vanhoa-evn/Quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-200-842-84667.aspx).