Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo là những vấn đề cơ bản, là cơ sở để xây dựng Đảng ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Đại hội XII cũng quyết định: Trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016 – 2020), nhiệm vụ trọng tâm số một là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Cơ quan điều tra VKSND tối cao
Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, từ một Chi bộ trực thuộc Đảng bộ VKSND tối cao, đến năm 2010, Đảng bộ cơ sở Cơ quan điều tra VKSND tối cao được thành lập với 32 cán bộ, đảng viên, sinh hoạt tại 3 chi bộ trực thuộc. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, tập thể Đảng ủy và Lãnh đạo đơn vị cũng như toàn thể công chức, đảng viên và người lao động của đơn vị đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, đứng trước những thách thức lớn về sự tồn tại của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong suốt một thời gian dài do chức năng, thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao chưa được pháp điển hóa, vì vậy có sự nhận thức khác nhau trong các ngành nội chính và ngay trong ngành Kiểm sát về thẩm quyền điều tra, về vấn đề tồn tại của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong quá trình thu gọn đầu mối các Cơ quan điều tra theo yêu cầu cải cách tư pháp… Bên cạnh đó, do tính chất hoạt động nghiệp vụ đặc thù, địa bàn hoạt động trải rộng tại 63 tỉnh, thành nhưng không có hệ thống “chân rết” ở địa phương, các cán bộ, đảng viên thường xuyên phải đi công tác xa, dài ngày, đấu tranh với các đối tượng có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, sự nể nang, ngại va chạm đối với đồng chí, đồng nghiệp cũng như những cám dỗ vật chất của nền kinh tế thị trường… tác động không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, Lãnh đạo cấp trên, đồng thời Ban chấp hành Đảng bộ và tập thể Lãnh đạo Cơ quan điều tra thực sự đoàn kết, đồng thuận, nhất trí cao trong đơn vị, bản thân từng đồng chí lãnh đạo, đảng ủy viên luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng bộ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước, ngành Kiểm sát và nhân dân giao phó. Đến nay, Đảng bộ cơ sở Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã có 110 đảng viên, sinh hoạt tại 7 chi bộ (trong đó 5 chi bộ đặt tại miền Bắc, 01 chi bộ tại Đại diện thường trực ở miền Trung – Tây Nguyên và 01 chi bộ tại Đại diện thường trực ở miền Nam), Ban chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí, Ban Thường vụ 3 đồng chí, Ủy Ban kiểm tra Đảng ủy 5 đồng chí.
Do làm tốt công tác định hướng tư tưởng nên đã thống nhất được tư tưởng của cán bộ, Đảng viên trong Đảng bộ, nhất là trước những bối cảnh phức tạp của tình hình chính trị thế giới, những khó khăn, thách thức của tình hình trong nước. Công tác tư tưởng giúp cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước; từ đó cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó với công việc, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan; gương mẫu thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, nói, viết, làm theo Điều lệ Đảng. Toàn Đảng bộ tham gia tích cực và có hiệu quả nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XII của Đảng. Từng bước đổi mới và nâng cao hiệu quả việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng…
Những thành tích mà cán bộ, Đảng viên toàn Đảng bộ Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã được ghi nhận qua các danh hiệu khen thưởng của Nhà nước, của ngành và Đảng bộ cấp trên trao tặng như: Năm 2012 được Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương tặng Cờ cho Đảng bộ cơ sở Cục Điều tra là Đảng bộ “Trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 05 năm liền”, năm 2013, năm 2014 đạt danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”; năm 2012, năm 2015, Cơ quan điều tra được tặng “Cờ thi đua ngành Kiểm sát”; trong 5 năm (2010, 2011, 2013, 2014, 2016), Cơ quan điều tra đều được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”. Nhiều chi bộ trực thuộc Đảng bộ được công nhận là “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”, không có cấp ủy, cán bộ, Đảng viên vi phạm kỷ luật nghiệp vụ, kỷ luật Đảng. Do đạt những thành tích xuất sắc trong việc góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên năm 2016, Cơ quan điều tra đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng “Huân chương Lao động hạng Ba”.
Để có được những kết quả nêu trên, Đảng bộ cơ sở Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, Đảng viên trong toàn Đảng bộ, cụ thể:
Ban chấp hành Đảng ủy và Lãnh đạo đơn vị đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng đồng chí Đảng ủy viên; từng ủy viên Ủy ban kiểm tra và từng đồng chí lãnh đạo, đảm bảo các Chi bộ trực thuộc đều có 01 đồng chí Đảng uỷ viên và 01 đồng chí trong Ủy ban Kiểm tra Đảng uỷ trực tiếp sinh hoạt tại các Chi bộ trực thuộc; kịp thời triển khai các Nghị quyết, Chỉ thị, các văn bản chỉ đạo của cấp trên, của Đảng bộ; thường xuyên nắm tình hình diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, để kịp thời xử lý, giải quyết, động viên cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong toàn Đảng bộ; đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, đồng thời coi trọng việc phát huy vai trò của chi bộ trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; Cấp ủy các cấp đã tích cực chỉ đạo triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức lan toả rộng lớn trong Đảng và toàn xã hội.
Trong công tác cán bộ: Ban chấp hành Đảng bộ và tập thể Lãnh đạo Cơ quan điều tra đã thực sự dân chủ, khách quan, công tâm. Coi trọng việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đổi mới phương pháp đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ ngay từ cấp cơ sở, các chi bộ, đơn vị trực thuộc; thực hiện đúng chế độ chính sách đối với công chức và người lao động, thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích vật chất cũng như tinh thần cho cán bộ và Đảng viên, vì vậy, đã tạo được không khí phấn khởi, tin tưởng, hăng say công tác trong cán bộ, đảng viên. Để nâng cao trình độ lý luận chính trị và tăng cường sức chiến đấu của Đảng, Đảng bộ đã quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Đảng viên; chú trọng công tác bồi dưỡng, theo dõi, giúp đỡ các quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển đảng viên trong Đảng bộ.
Trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, Ban chấp hành Đảng bộ và tập thể Lãnh đạo Cơ quan điều tra đã tiến hành đổi mới và thực hiện nhiều khâu đột phá, đề cao tinh thần chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm của đội ngũ cán bộ, Đảng viên trong toàn Đảng bộ, như: Ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác tự đào tạo “Cán bộ, Điều tra viên giỏi sẽ hướng dẫn, chỉ việc cho cán bộ mới về, cán bộ còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ”; hàng năm phối hợp với chính quyền thành lập tổ chuyên gia thẩm định lại những hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, hồ sơ giải quyết án hình sự thuộc thẩm quyền để rút ra những ưu điểm, tồn tại trong quá trình tác nghiệp của cán bộ điều tra, Điều tra viên, trên cơ sở đó tổ chức các hội thảo chuyên đề về tổng hợp rút kinh nghiệm chung trong toàn đơn vị. Đây là những biện pháp tự đào tạo, học tập nâng cao trình độ lý luận cũng như kinh nghiệm thực tiễn rất hiệu quả. Vì vậy, trong những năm qua, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện, xử lý, điều tra giải quyết nghiêm minh nhiều vụ án oan, sai, bỏ lọt tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và dư luận quần chúng quan tâm như: Vụ án Nguyễn Thanh Chấn “Giết người” ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; vụ án Ngô Thanh Phong cùng đồng bọn “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Công an tỉnh Tiền Giang”; vụ án Nguyễn Duy Hiệp, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam, phạm tội “Nhận hối lộ”… Những kết quả đó đã khẳng định được vị thế, vai trò của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong hệ thống Cơ quan điều tra, thực sự là cánh tay nối dài của hoạt động công tố, là công cụ sắc bén, hiệu quả để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát, trên cơ sở Chương trình kiểm tra, giám sát của Đảng bộ cấp trên, hàng năm, Ủy ban kiểm tra, Đảng ủy Cơ quan điều tra VKSND tối cao đều xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát nhằm triển khai tổ chức toàn diện các nhiệm vụ của Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra theo quy định của điều lệ Đảng. Do tính chất đặc thù trong hoạt động nghiệp vụ của đơn vị và cơ cấu tổ chức của Đảng bộ cơ sở Cơ quan điều tra VKSND tối cao, để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, kịp thời của đảng bộ đối với Chi bộ Phòng Điều tra tội phạm xảy ra tại miền Trung – Tây Nguyên và Chi bộ Phòng Điều tra tội phạm xảy ra tại miền Nam, tập thể Đảng uỷ đã phân công cụ thể cấp uỷ viên đảm bảo tất cả các Chi bộ trong đảng bộ đều có sự tham gia sinh hoạt của các đồng chí Đảng uỷ viên. Qua đó đảm bảo 100% các Chi bộ trực thuộc đều có sự kiểm tra, giám sát của Đảng uỷ. Các chi bộ trực thuộc Đảng bộ đều phân công Bí thư hoặc Phó Bí thư phụ trách công tác kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, Nghị quyết của cấp trên. Chi bộ giám sát đảng viên thông qua sinh hoạt thường kỳ, qua theo dõi, đôn đốc đảng viên thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong công tác chuyên môn, đảm bảo 100% các đảng viên trong Chi bộ được kiểm tra, giám sát. Do làm tốt công tác kiểm tra, giám sát nên trong những năm qua, Đảng bộ cơ sở Cơ quan điều tra không có cán bộ, đảng viên nào vi phạm kỷ luật Đảng, không có đơn khiếu nại, tố cáo về phẩm chất đảng viên, tổ chức Đảng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong Đảng bộ cơ sở Cơ quan điều tra VKSND tối cao còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Nội dung công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số chi bộ, phòng nghiệp vụ mới chỉ dừng lại ở việc quán triệt những quan điểm chung, mà chưa đi sâu gắn với thực tiễn công tác mang tính đặc thù của hoạt động điều tra của đơn vị; nội dung sinh hoạt Đảng ở một số chi bộ còn lồng ghép với sinh hoạt chuyên môn, chất lượng sinh hoạt chi bộ còn hạn chế; hình thức, biện pháp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đã có nhiều đổi mới nhưng còn chưa phong phú, chưa chú trọng sinh hoạt chuyên đề…
Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ tăng thêm theo quy định của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, đồng thời để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi về cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, để bảo đảm cán bộ, đảng viên luôn giữ vững bản chất chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, vững vàng trước những khó khăn thử thách, vấn đề tiên quyết là phải thống nhất nhận thức, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Đây chính là nền tảng để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ cơ sở Cơ quan điều tra đã cùng tập thể Lãnh đạo đơn vị rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra những giải pháp nhằm nâng cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ như sau:
Một là, cần tuyên truyền, quán triệt, giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đây là nội dung giáo dục quan trọng hàng đầu về tư tưởng, chính trị đối với cán bộ, đảng viên, là cơ sở của sự thống nhất trong nhận thức và hành động.
Hai là, cần thống nhất về mặt nhận thức, đề cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với quá trình thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trước hết là trong cấp ủy, đội ngũ cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu đơn vị. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải được đặt ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ khác trong tình hình mới. Cùng với việc phát huy vai trò lãnh chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, thì phải nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải làm chuyển biến về nhận thức và hành động, củng cố niềm tin và ý chí phấn đấu vươn lên của cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Coi trọng việc tổ chức sinh hoạt Đảng, chính quyền, đoàn thể, đấu tranh phê bình và tự phê bình là biện pháp quan trọng để tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, đánh giá và giải quyết tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, từ đó có những nội dung, phương pháp, hình thức tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Bốn là, nâng cao chất lượng và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; tăng cường và đổi mới công tác dân vận và lãnh đạo đoàn thể, đặc biệt là lãnh đạo đoàn thanh niên để tạo nên sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ.
Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tăng cường giáo dục những yêu cầu, chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh cho cán bộ, đảng viên trong đơn vị, gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và đề ra biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng của các cấp ủy theo tinh thần Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương 4 (khóa XI). Kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với việc thực hiện chính sách cán bộ, để cán bộ, đảng viên yên tâm công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm. Mỗi cán bộ, đảng viên cần biến quá trình giáo dục chính trị, tư tưởng của tổ chức Đảng thành quá trình tự giáo dục, tự bồi dưỡng, gắn với việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn và đẩy lùi những biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.
Để chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống lực lượng điều tra ngành Kiểm sát nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ cơ sở Cơ quan điều tra hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngày càng trong sạch, vững mạnh./.
Tác giả bài viết: Tiến sĩ Lại Viết Quang (Bí thư Đảng ủy, Phó Thủ trưởng Thường trực CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Nguồn tin: kiemsat.vn