Ngoài ra, thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án nhận thấy: tình trạng vỡ hụi dẫn đến người dân phải khởi kiện ra Tòa án năm 2021 có chiều hướng tăng đột biến so với năm 2020. Từ ngày 01/12/2020 đến 30/9/2021 Tòa án thụ lý, giải quyết 2.431 vụ liên quan đến tranh chấp hụi (tăng 717 vụ) và hiện nay Tòa án còn đang xem xét, thụ lý hơn 2.000 đơn khởi kiện do ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19 đương sự gửi đơn khởi kiện qua đường bưu chính. Đáng quan tâm là có nhiều vụ bị đơn đã rời bỏ địa phương không trình báo và cũng không biết họ đang ở đâu. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ các vụ án hình sự về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức hợp đồng góp hụi có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiểu Cần nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tội phạm về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức hợp đồng góp hụi là do trình độ hiểu biết của người dân còn hạn chế, chủ yếu là nông dân, lao động nghèo, tham gia góp hụi để tích lũy, trang trải cuộc sống. Chủ hụi thì nắm bắt được tâm lý hám lợi của nhiều người, dưới vỏ bọc phô trương sự giàu có, uy tín nên dễ dàng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều người, thu lợi bất chính cho cá nhân rồi tuyên bố vỡ hụi hoặc bỏ trốn khỏi địa phương sau khi đã tẩu tán tài sản. Mặt khác, việc tổ chức tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, bêu, phường (sau đây gọi là Nghị định 19) của Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là Uỷ ban nhân dân cấp xã còn lỏng lẻo, mang tính hình thức, chưa thực sự đi vào chiều sâu dẫn đến việc người dân tham gia chơi hụi ngày càng nhiều nhưng chủ hụi không thông báo hay đăng ký với UBND cấp xã nơi cư trú biết, chính quyền địa phương thì không nắm được số lượng các chủ hụi trên địa bàn, vi phạm khoản 1 Điều 14 Nghị định 19.
Hậu quả của tội phạm về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức hợp đồng góp hụi là rất nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình của những hụi viên tham gia góp hụi, gây tác động xấu cho xã hội về nhiều mặt. Do phần lớn người phạm tội không có tài sản cũng như khả năng để thi hành án cho những người bị hại. Đồng thời loại tội phạm này còn có nguy cơ kéo theo sự phát triển của nhiều loại tội phạm nguy hiểm khác nhất là các tội phạm xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng con người.
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần giảm thiểu những vi phạm, tội phạm nói chung và loại tội phạm về “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức hợp đồng góp hụi nói riêng, tạo sự chuyển biến tích cực và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện trong thời gian tới, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiểu Cần đã ban hành kiến nghị số 05/KN-VKS-HS ngày 07/10/2021, yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Tiểu Cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị định 19 và quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng góp hụi trong quần chúng nhân dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, thống kê thông tin về hụi theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định 19 và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật nếu phát hiện chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ theo đúng quy định nhằm để răn đe, góp phần giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trên địa bàn và kịp thời phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về hụi với cơ quan công an có thẩm quyền.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Thương
Nguồn tin: Viện KSND huyện Tiểu Cần