Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh                                                                                                                                                                 Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả                                                                                                                                                                 Đoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phát, phát triển                                                                                                                                                                 Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn
Thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2019 của Viện kiểm sát tỉnh Trà Vinh. Ngày 10/10/2019, Phòng THQCT-KSĐT-KSXXST án hình sự Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Trà Vinh phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm rút kinh nghiệm đối với vụ án hình sự Lê Tuấn Kiệt cùng đồng phạm về tội “Giết người”và “Cướp tài sản” quy định tại Điều 123 và Điều 168 Bộ luật hình sự. Thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử tại phiên tòa là kiểm sát viên Huỳnh Văn Xoài và Phạm Văn Luyến.
KSV Huỳnh Văn Xoài và Phạm Văn Luyến THQCT, KSXX tại phiên tòa
Tham dự phiên tòa có Lãnh đạo Viện kiểm sát tỉnh; Lãnh đạo, kiểm sát viên Phòng 1, Phòng 7, Viện kiểm sát huyện Cầu Ngang, huyện Trà Cú, huyện Cầu Kè và thị xã Duyên Hải.

Theo Cáo trạng: Vào đầu tháng 11/2018, các bị cáo Lê Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Tùng, Trương Tuấn Kiệt và Phan Thị Dạ Thi từ TP. Hồ Chí Minh đi xe khách xuống nhà Đặng Thanh Hồ ngụ thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh chơi. Qua sự giới thiệu của Hồ nên Tùng và Trương Tuấn Kiệt quen và thường tới phòng trọ của anh Trần Công Hoàng tại ấp Sâm Bua, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành chơi, thấy Hoàng có nhiều tài sản nên các bị cáo đã cùng nhau bàn bạc, lên kế hoạch chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng nhằm giết chết ông Trần Công Hoàng và Nguyễn Minh Tấn để cướp tài sản.

Các bị cáo tại phiên tòa
Cụ thể cả nhóm bàn bạc, lên kế hoạch khi tiếp cận được Hoàng thì bị cáo Tùng là người trực tiếp cầm dao đâm, Trương Tuấn Kiệt dùng gối đè lên mặt, sau đó giết anh Tấn rồi lấy tài sản tẩu thoát đến tượng đài phường 8, TP.Trà Vinh có Lê Tuấn Kiệt và  Dạ Thi đang chờ: nếu chỉ giết một mình Hoàng thì Tùng và Lê Tuấn Kiệt sẽ điều khiển xe của Hoàng, còn Trương Tuấn Kiệt và Dạ Thi sẽ đón xe khách về thành phố Hồ Chí Minh; nếu giết cả Hoàng và Tấn thì cả 04 bị cáo sẽ đi hai xe mô tô của Hoàng và Tấn và mang số tài sản vừa cướp được về thành phố Hồ Chí Minh tìm nơi tiêu thụ.

Thực hiện kế hoạch, bị cáo Tùng và bị cáo Kiệt đến phòng trọ của Hoàng xin ngủ nhờ nhằm tiếp cận, lợi dụng lúc sơ hở để thực hiên hành vi phạm tội. Sau khi vào phòng ngủ, Hoàng nằm giữa Kiệt và Tùng, lợi dụng lúc Hoàng mất cảnh giác, Tùng nháy mắt ra hiệu hành động nên Kiệt chồm dậy dùng hai tay cầm gối đè chặt vào mặt Hoàng, Tùng lấy dao cầm trên tay phải đâm liên tục nhiều nhát theo hướng từ trên xuống vào vùng ngực của Hoàng. Do bị đâm bất ngờ, Hoàng vùng vẫy hất văng Kiệt ra cạnh cái tủ kiếng và đứng dậy thì Tùng tiếp tục cầm dao xông đến đâm, Hoàng dùng hai tay chụp lấy tay phải của Tùng giằng co làm Tùng té vào tủ kiếng làm vỡ cánh cửa tủ, đồng thời kêu cứu, mọi người ở khu vực phòng trọ chạy đến, sợ bị bắt Tùng bỏ chạy ra cửa sau leo lên hàng rào ra ngoài chạy thoát, bị cáo Trương Tuấn Kiệt chạy ra cửa trước chạy thoát ra ngoài khoảng 20 mét thì bị người dân bắt giữ.
Trên cơ sở kết quả điều tra hành vi của các bị cáo Lê Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Tùng, Trương Tuấn Kiệt, Phan Thị Dạ Thi đã phạm tội “Giết người”theo quy định tại điểm a, g, o khoản 1 Điều 123 và “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm a, đ khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015. Tuy nhiên, hành vi phạm tội có tính chất mức độ, vai trò, của từng bị cáo cũng khác nhau. Đối với bị cáo Lê Tuấn Kiệt phạm tội với vai trò chủ mưu; Nguyễn Văn Tùng phạm tội với vai trò tích cực bàn bạc và trực tiếp thực hiện hành vi; Trương Tuấn Kiệt phạm tội với vai trò trực tiếp thực hiện; Phan Thị Dạ Thi phạm tội với vai trò đồng phạm.
Phiên tòa được tiến hành công khai, dân chủ, nghiêm minh đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình xét xử vụ án, Kiểm sát viên đã thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình, thể hiện tốt bản lĩnh của kiểm sát viên, tham gia xét hỏi làm rõ các tình tiết của vụ án. Mặc dù phiên tòa xét xử vắng mặt của luật sư nhưng luật sư đã gửi văn bản quan điểm bào chữa cho các bị cáo và được hội đồng xét xử công bố tại phiên tòa. Trên cơ sở đề nghị của đại diện Viện kiểm sát áp dụng Điều 54 BLHS quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khu hình phạt áp dụng cho các bị cáo Lê Tuấn Kiệt, Nguyễn Văn Tùng, Trương Tuấn Kiệt đối với tội “Cướp tài sản”. Riêng đối với Phan Thị Dạ Thi áp dụng Điều 54 BLHS cho cả hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản” và theo quy định tại điểm a, g, o khoản 1 Điều 123; điểm a, đ khoản 2 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Lê Tuấn Kiệt 13 năm tù về tội Giết người, 05 năm về tội Cướp tài sản; bị cáo Nguyễn Văn Tùng 13 năm tù về tội Giết người, 05 năm về tội Cướp tài sản; bị cáo Trương Tuấn Kiệt 12 năm tù về tội Giết người, 05 năm về tội Cướp tài sản; bị cáo Phan Thị Dạ Thi 07 năm tù về tội Giết người, 04 năm về tội Cướp tài sản. Áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015 về tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Lê Tuấn Kiệt phải chịu hình phạt chung cho hai tội là 18 năm; Nguyễn Văn Tùng phải chịu hình phạt chung cho hai tội là 18 năm; Trương Tuấn Kiệt phải chịu hình phạt chung cho hai tội là 17 năm; Phan Thị Dạ Thi phải chịu hình phạt chung cho hai tội là 11 năm.
Kết thúc phiên tòa, Lãnh đạo Viện đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm đối với hai Kiểm sát viên Huỳnh Văn Xoài và Phạm Văn Luyến. Qua ý kiến đóng góp cho thấy Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa đã chuẩn bị tốt luận tội, hồ sơ kiểm sát, câu hỏi rõ ràng, đúng trọng tâm; xử lý tình huống phát sinh linh hoạt, thể hiện tốt bản lĩnh, vai trò, chức năng của Kiểm sát viên trong quá trình xét xử, đồng thời, chỉ ra hạn chế để hai Kiểm sát viên khắc phục trong thời gian tới.
Phiên tòa rút kinh nghiệm cũng là dịp để Kiểm sát viên học hỏi những kinh nghiệm lẫn nhau, khả năng nhạy bén, xử lý tốt trước những tình huống phức tạp hoặc mới phát sinh tại phiên tòa; qua đó nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác giải quyết án hình sự và kỹ năng tham gia tại phiên tòa, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay./.
Một số hình ảnh tại cuộc họp rút kinh nghiệm:




Tác giả bài viết: Phạm Văn Triết

Nguồn tin: Phòng 1