Thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát năm 2023 và nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết những tranh chấp về dân sự chia thừa kế, ngày 09/8/2023, Viện kiểm sát nhân dân huyện Càng Long phối hợp với Tòa án nhân dân huyện tổ chức phiên tòa sơ thẩm rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp chia thừa kế” giữa: Nguyên đơn bà Lưu Thị Nhan, sinh năm 1957; bị đơn ông Lưu Văn Bình, sinh năm 1971, cùng nơi cư trú: ấp Rạch Mát, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Kiểm sát viên kiểm sát xét xử tại phiên tòa là đồng chí Phạm Văn Tính. Tham dự phiên tòa có các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Càng Long.
Toàn cảnh phiên tòa
Nội dung vụ án: Cụ Hảo và cụ Huế chung sống có tạo lập được tài sản là quyền sử dụng đất được Ủy ban nhân dân huyện Càng Long cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 26/6/1996 do cụ Huế đại diện hộ đứng tên thửa đất 191, tờ bản đồ số 9, loại đất ở-lâu năm, diện tích 2.200m2 và thửa đất số 202, tờ bản đồ số 9, loại đất trồng lúa, diện tích 2.570m2, cùng tọa lạc ấp Rạch Mát, xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Năm 1983 cụ Hảo chết, cụ Huế là người trực tiếp quản lý tài sản đến năm 2003 thì cụ Huế chết và ông Bình là cháu trực tiếp quản lý sử dụng phần đất nêu trên. Cụ Huế chết không để lại di chúc nay bà Lưu Thị Nhan, Ông Lưu Văn Lạc, Bà Lưu Thị Huệ, Bà Lưu Thị Hồng, Bà Lưu Thị Sa, Lưu Thị Hương, Lưu Thị The, Lưu Thị Nỹ cùng yêu cầu chia thừa kế. Phía bị đơn Lưu Văn Bình không đồng ý theo yêu cầu của các nguyên đơn, ông cho rằng phần diện tích đất này cụ Huế đã cho ông lúc còn sống nhưng vì ở chung nhà nên không làm thủ tục sang tên. Do các bên không thỏa thuận được với nhau từ đó phát sinh tranh chấp.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng là đúng theo quy định. Kiểm sát viên đã tham gia xét hỏi nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhằm làm rõ nội dung của vụ án, nguyên nhân mâu thuẫn và những chứng cứ tố tụng trong vụ án từ đó phát biểu quan điểm giải quyết vụ án phù hợp với pháp luật được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Đương sự trong vụ án
Sau khi phiên tòa kết thúc, cơ quan đã tổ chức họp rút kinh nghiệm dưới sự chủ trì của đồng chí Cao Minh Dương – Phó Viện trưởng. Các ý kiến đóng góp đã đưa ra nhận xét, đánh giá về kết quả tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm đối với đồng chí Phạm Văn Tính đúng theo Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên tác phong chững chạc, nghiêm túc, đã thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Ngành, cụ thể là kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng; tham gia hỏi các đương sự để làm rõ nội dung vụ án, trình bày quan điểm về việc giải quyết vụ án. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng chỉ ra hạn chế của Kiểm sát viên việc đặt câu hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa còn trùng với câu hỏi của hội đồng xét xử.
Họp rút kinh nghiệm
Việc lựa chọn, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát án dân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp ý, hoàn thiện cho Kiểm sát viên những kỹ năng và nhận thức khi giải quyết các vụ việc theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Đây cũng là một hình thức tự đào tạo tại chỗ có hiệu quả nhằm nâng cao kỹ năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa đối với Kiểm sát viên, đồng thời nâng cao trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp cho cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Tác giả bài viết: Thanh Huấn
Nguồn tin: Viện KSND huyện Càng Long