Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh                                                                                                                                                                 Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả                                                                                                                                                                 Đoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phát, phát triển                                                                                                                                                                 Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn

Đoàn kết là một yếu tố có vai trò quyết định thành công của mọi nhiệm vụ công tác. Bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng cần có sự đoàn kết, nhất trí trong tư tưởng và hành động thì mới có thể hoàn thành tốt mục tiêu đã đề ra. Chỉ thị công tác hàng năm của ngành Kiểm sát nhân dân cũng đã khẳng định điều này. Quán triệt quan điểm trên, những năm qua, lãnh đạo VKSND huyện Trà Cú luôn gương mẫu và chỉ đạo thực hiện nghiêm việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, trong đó đặc biệt chú trọng học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết nhằm xây dựng tập thể thống nhất, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được Ngành và cấp trên giao phó.

1.Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết

Đại đoàn kết là một nội dung quan trọng hàng đầu trong tư tưởng Hồ Chí Minh. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết là tư tưởng chiến lược nhằm củng cố, mở rộng, tăng cường lực lượng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.”[1]. Đó là hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, phương pháp về tuyên truyền, vận động, tập hợp, tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định đoàn kết là lực lượng mạnh nhất, là sức mạnh vô địch và là then chốt của thành công. Người khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân đồng sức đồng lòng thì khó khăn gì cũng nhất định khắc phục được[2]. “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công[3] là sự nhắc nhở, là lời hiệu triệu mà Người gửi gắm đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và đã trở thành câu khẩu dụ nằm lòng của bao thế hệ cán bộ, đảng viên cùng mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Trong từng thời kỳ cách mạng, trước những yêu cầu và nhiệm vụ khác nhau, có thể cần có sự điều chỉnh chính sách và phương pháp tập hợp lực lượng khác nhau nhưng đoàn kết phải luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng, là chiến lược nhất quán và xuyên suốt. Bác nhận định: “Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến thắng lợi.[4].

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh
chỉ rõ “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình[5]. Trong các tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới hàng trăm bài nói và bài viết nói về sự đoàn kết. Tư tưởng đoàn kết nổi bật của Người là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh[6]; “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công[7]. Phân tích toàn diện, sâu sắc tầm quan trọng của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, Người chỉ rõ: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta[8].

2. Quan điểm chỉ đạo của ngành Kiểm sát nhân dân về phát huy tinh thần đoàn kết trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ

Trong nhiều năm qua, lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân luôn nhấn mạnh tinh thần đoàn kết nội bộ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành là vấn đề quan trọng hàng đầu. Từ năm 2017 đến nay, các Chỉ thị hàng năm về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân đều đặt hai chữ “Đoàn kết” lên đầu tiên trong phương châm công tác của toàn Ngành.

Trong các năm 2017 và 2018, Ngành đề ra phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Chất lượng, hiệu quả. Giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022, phương châm của Ngành là: “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”.

Tiếp nối những năm trước đó, mở đầu của Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã củng cố quan điểm phát huy tính đoàn kết trong toàn ngành với phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm – kỷ cương, liêm chính – bản lĩnh, hiệu quả”. Chỉ thị nêu rõ “Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp và tập thể lãnh đạo đơn vị phải tập trung xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, gương mẫu trong công việc;…[9]. Điều này khẳng định sự quan tâm xuyên suốt của lãnh đạo Ngành kiểm sát nhân dân đối với việc giữ gìn đoàn kết trong công tác nhằm hoàn thành nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

3. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trà Cú học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành

Nghiêm túc học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết cũng như quán triệt quan điểm chỉ đạo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giữ gìn sự đoàn kết trong công tác, nhằm xây dựng tập thể vững mạnh, thời gian qua, toàn thể công chức, người lao động Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trà Cú đã triển khai thực hiện những việc làm cụ thể như sau:

Một là, nhận thức đầy đủ phương châm đoàn kết trong công tác của toàn Ngành và đưa phương châm này vào kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm của đơn vị. Thủ trưởng đơn vị kịp thời nắm bắt tình hình nội bộ, vừa là đầu mối giải quyết mọi công tác của đơn vị, vừa là sợi dây liên kết toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị thành một thể thống nhất, qua đó giúp đơn vị hoàn thành các chỉ tiêu mà kế hoạch công tác đã đề ra.

Viện trưởng VKSND huyện Trà Cú chỉ đạo thực hiện phương châm đoàn kết

tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác kiểm sát năm 2023

Hai là, công chức, người lao động trong đơn vị luôn hỗ trợ nhau cùng vượt qua những khó khăn về nhân sự. Trong nhiều năm qua, đơn vị thường xuyên thiếu biên chế công tác nghiệp vụ trong khi số lượng công việc ngày càng tăng, những yêu cầu ngày một chặt chẽ trong các quy định của pháp luật, đặc biệt là pháp luật về tố tụng tạo nên áp lực về công việc cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên. Hơn nữa, hầu như năm nào đơn vị cũng có cán bộ tham gia các khóa đào tạo chính trị tập trung hoặc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ gây ảnh hưởng không ít đến quỹ thời gian công tác tại đơn vị. Tuy nhiên, trên tinh thần tương trợ vì nhiệm vụ chung, các đồng chí có mặt trong đơn vị đã san sẻ công việc của đồng chí mình, không để xảy ra tình trạng chậm trễ, không đảm bảo hiệu quả, tiến độ công việc chung của cơ quan.

Ba là, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đơn vị đều thực hiện nhiệm vụ của cá nhân nhưng hướng đến mục tiêu của tập thể. Không những thực hiện nhiệm vụ của mình mà mỗi cá nhân còn quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ của đồng nghiệp. Điều này không phải là bao biện, ôm đờm, can thiệp vào công việc của người khác mà là sẵn sàng chia sẻ công việc trong điều kiện cho phép để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chung. Chính mục tiêu chung, nhiệm vụ chung là cơ sở cho sự đoàn kết trong đơn vị, việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân là mắt xích mang đến thành công chung của cả tập thể. Mỗi cá nhân trong đơn vị đều ý thức được rằng, nếu bản thân hoàn thành nhiệm vụ mà đồng chí, đồng đội không hoàn thành nhiệm vụ thì mục tiêu chung không đạt được, như vậy thành tích của cá nhân cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Bốn là, thực hiện dân chủ trong công tác, đơn vị họp giao ban hàng tuần để kịp thời thông tin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và cấp ủy địa phương liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ngành cho toàn thể công chức nắm, đồng thời bàn bạc, trao đổi, góp ý các vấn đề chung của cơ quan. Tại Hội nghị cán bộ, công chức hàng năm, toàn thể công chức, người lao động được tham dự, thảo luận, đóng góp xây dựng quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ,… trên tinh thần trách nhiệm, dân chủ. Trong công tác nghiệp vụ, đơn vị tổ chức họp duyệt án trên cơ sở phát huy trí tuệ tập thể; dưới sự chủ trì của lãnh đạo đơn vị, các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thẳng thắn trao đổi, nhiệt tình góp ý cho nhau để cùng nhau tiến bộ và củng cố niềm tin vào tính chính xác của đường lối giải quyết vụ án. Từ đó, sự gắn kết trong đơn vị cũng được tăng cường.

Năm là, Công đoàn cơ sở phát huy được vai trò chăm lo, bảo vệ quyền lợi công chức, người lao động, quan tâm thăm hỏi, động viên tinh thần khi có cá nhân bị ốm đau, nghỉ thai sản,… Bên cạnh đó, Công đoàn cơ sở đơn vị cũng thường xuyên tổ chức hoặc tạo điều kiện để công chức, người lao động được tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khóa như: thi đấu thể thao, cùng nhau lao động tập thể, dọn dẹp vệ sinh cơ quan,… tạo không khí vui tươi, gần gũi, gắn kết trong nội bộ cơ quan, biến đơn vị thành ngôi nhà chung ấm áp.

Tập thể công chức, người lao động cùng tham gia dọn dẹp, vệ sinh trụ sở đơn vị

Sáu là, xây dựng tinh thần “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chịu trách nhiệm, cùng nhận khen thưởng”.  Đảm bảo hài hòa, tương xứng về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong đơn vị. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm, tranh giành lợi ích. Trong công tác, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các khâu, mỗi cá nhân đều làm hết trách nhiệm của mình và tạo điều kiện để đồng chí, đồng nghiệp trong đơn vị hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Bảy là, thẳng thắn đóng góp, phê bình đồng chí, đồng đội trên tinh thần xây dựng, đồng thời mỗi cá nhân sẵn sàng tự phê bình, tự giác nhận trách nhiệm nếu có lỗi của mình trong thực hiện nhiệm vụ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đoàn kết không phải ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình giúp nhau tiến bộ[10], mỗi cá nhân trong đơn vị đều mạnh dạn tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ, đồng thời trong quá trình phê bình, không chỉ trích, dèm pha, hạ thấp uy tín của đồng nghiệp trong đơn vị vì động cơ cá nhân.

Tám là, trong thi đua – khen thưởng, đảm bảo tính thực chất và xứng đáng. Nhận thức rõ đây là yếu tố tạo động lực cho mỗi cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo đơn vị luôn hết sức quan tâm đảm bảo tính bình đẳng, hợp tình, hợp lý trong bình xét thi đua – khen thưởng hàng năm, không chia thưởng cào bằng, không nâng đỡ, phe phái tạo mầm mống mất đoàn kết và làm mất đi động lực phấn đấu của các cá nhân. Từ đó, tạo niềm tin và sự hài lòng, thuyết phục trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động.

Chín là, bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ngành. Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023 nêu rõ: “… đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác nhằm đào tạo, phát huy sở trường của từng cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.”. Thời gian qua, lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt việc bảo vệ cán bộ thuộc cấp trên tinh thần bảo vệ cái đúng, không bao che, dung túng cái sai, đảm bảo mọi công tác đều tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy chế của Ngành. Do đó, các cán bộ, Kiểm sát viên luôn yên tâm công tác, không e dè, ngại khó và có niềm tin vào cấp trên, đảm bảo sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ.

Mười là, trực tiếp học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đại đoàn kết thông qua những mẩu chuyện thực tế về Bác trong các buổi sinh hoạt Chi bộ hàng tháng và chào cờ hàng tuần. Trong nhiều năm qua, lãnh đạo đơn vị và Chi ủy Chi bộ đã cho triển khai kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách sâu rộng. Thông qua những câu chuyện cụ thể sinh động về tinh thần đoàn kết, công chức, người lao động đơn vị càng thấu hiểu và dễ dàng học tập, làm theo, qua đó góp phần tăng cường sự đoàn kết trong đơn vị.

Học tập mẩu chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

về tinh thần đoàn kết trong một buổi chào cờ đầu tuần

Mười một là, phối hợp tốt với Viện Kiểm sát cấp trên, các đơn vị khác trong Ngành cũng như các cơ quan hữu quan ở địa phương, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng. Trong công tác nghiệp vụ, bên cạnh sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ đơn vị, việc đảm bảo mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác cũng hết sức cần thiết và cũng là một biểu hiện của sự đoàn kết. Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trà Cú đã xây dựng, củng cố và phát huy tốt các mối quan hệ này trong suốt thời gian qua. Nhờ đó, mọi công tác đều được thực hiện thông suốt, nhịp nhàng và đạt kết quả cao.

Có thể nói, thông qua những việc làm nêu trên, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trà Cú đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong nhiều năm gần đây. Hàng năm, đơn vị luôn được đánh giá là tập thể lao động tiến tiến trở lên, trong đó có 4 năm được nhận Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân (2014, 2015, 2017, 2022), Bằng khen 02 năm liên tục là tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2021 – 2022).

Thời gian tới, tập thể đơn vị xác định tiếp tục củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết chính là chìa khóa mang đến thành công chung, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Trong công tác, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trà Cú tiếp tục thực hiện phương châm “Đoàn kết, trách nhiệm – kỷ cương, liêm chính – bản lĩnh, hiệu quả” gắn với lời dạy của Bác dành cho ngành Kiểm sát nhân dân “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” để hoàn thành tốt hơn nữa mọi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương./.

Tác giả bài viết: Diệp Minh Quân

Nguồn tin: VKSND huyện Trà Cú.

[1] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp Lý luận Chính trị Nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2021, tr.79.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.376.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.13, tr.120.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.272.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.617.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.482.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.186.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.145.

[9] Xem Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 về Công tác của Ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.151.