Tạm đình chỉ là tạm ngừng các hoạt động tố tụng đối với vụ án, vụ việc. Trong tố tụng hình sự, việc tạm đình chỉ có thể được thực hiện từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Khi có căn cứ theo quy định của pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ra quyết định tạm đình chỉ, dẫn đến hậu quả pháp lý là “tạm thời xếp lại hồ sơ” mà chưa thể xác định cụ thể được thời điểm sẽ tiếp tục giải quyết. Tuy nhiên, việc xếp lại hồ sơ ở đây chỉ là tạm thời, các hoạt động tố tụng tạm ngừng chứ chưa chấm dứt vì hoàn toàn có thể được phục hồi giải quyết khi có đủ căn cứ. Do đó, đây được xem là “món nợ” của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Viện kiểm sát vì chưa thể làm rõ ngọn ngành, chưa trọn vẹn trách nhiệm “xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm” mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Nhận thức được điều này cũng như thực hiện nghiêm Chỉ thị công tác của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, trong năm 2023, Viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát hai cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhanh chóng rà soát, giải quyết triệt để, đúng quy định đối với các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ trên địa bàn, tránh tồn đọng kéo dài, nhất là tình trạng để lâu rồi chìm vào quên lãng.
1. Quán triệt quan điểm chỉ đạo
Xử lý các vụ việc tạm đình chỉ trong tố tụng hình sự không chỉ là nhiệm vụ được VKSND tối cao quan tâm mà còn là vấn đề thường xuyên được đề cập tại các kỳ họp Quốc hội những năm qua. Điều này thể hiện ở việc ghi nhận công tác xử lý án tạm đình chỉ là nội dung quan trọng trong một số Nghị quyết tại hai nhiệm kỳ liên tiếp vừa qua của Quốc hội (khóa XIV và khóa XV).
Tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về “công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án”, Quốc hội yêu cầu VKSND các cấp phải “Thường xuyên phối hợp với cơ quan điều tra rà soát những vụ án đang tạm đình chỉ điều tra, yêu cầu cơ quan điều tra tích cực xác minh để sớm phục hồi điều tra, nhất là đối với những trường hợp sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm”[1]. Và gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 110/2023/QH15, trong đó tiếp tục yêu cầu “Khẩn trương giải quyết các vụ việc, vụ án tạm đình chỉ, trong đó tập trung xử lý những vụ đã hết hoặc gần hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp còn tồn đọng do lỗi chủ quan, không để xảy ra việc tạm đình chỉ không đúng pháp luật; […]”[2].
Các đại biểu theo dõi Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Báo cáo công tác năm 2023
tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XV (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội).
Nhận thức rõ trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân ngay từ sớm, ngày 07/02/2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC xác định 06 nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường trách nhiệm của VKSND trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết các vụ án hình sự tạm đình chỉ. Trong đó, Viện trưởng VKSND các cấp phải quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và quy chế, quy định của Ngành liên quan đến việc theo dõi, quản lý, giải quyết án tạm đình chỉ tại đơn vị mình; chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp định kỳ tổ chức rà soát, phân loại án tạm đình chỉ thuộc trách nhiệm để thống nhất về số liệu, xây dựng báo cáo tổng hợp, thống kê. Viện trưởng VKSND cấp trên định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các đợt kiểm tra, hướng dẫn công tác này của đơn vị và VKSND cấp dưới. Việc rà soát, phân loại án tạm đình chỉ phải căn cứ vào giai đoạn tố tụng của vụ án, làm rõ lý do, căn cứ tạm đình chỉ, thời hạn tạm đình chỉ, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và các căn cứ phục hồi hoặc đình chỉ vụ án đối với vụ án tạm đình chỉ. Dựa trên kết quả rà soát, phân loại án tạm đình chỉ, Viện kiểm sát các cấp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp thống nhất hình thức, biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời án tạm đình chỉ theo đúng quy định của pháp luật.
Để thực hiện có hiệu quả, đồng bộ, thống nhất công tác giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020 quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự của về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Bên cạnh đó, trong chỉ thị công tác hàng năm, VKSND tối cao luôn xác định việc rà soát, quản lý, kiểm sát chặt chẽ các vụ việc, vụ án hình sự tạm đình chỉ; hạn chế thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội trong các vụ án tạm đình chỉ; từng bước giải quyết các vụ án tạm đình chỉ nhưng hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật luôn là một trong những nội dung cần chú trọng thực hiện. Đặc biệt, trong năm 2023, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh: “Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp, tập trung rà soát giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng”[3]. Đó là lời hứa, là quyết tâm lớn trong việc thực hiện một trong những nhiệm vụ chính trị cao cả và quan trọng hàng đầu của toàn Ngành là chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm mà Đảng, Nhà nước giao phó và cũng là góp phần cùng các cơ quan tiến hành tố tụng “trả nợ” Nhân dân.
2. Thực hiện quyết liệt, khẩn trương, toàn diện công tác giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành tại VKSND tỉnh Trà Vinh
Đầu năm 2023, khi tổ chức Hội nghị triển khai công tác kiểm sát, VKSND tỉnh Trà Vinh đã xác định trong Kế hoạch công tác: “Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Định kỳ phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp rà soát, đối chiếu, phân loại, thống nhất đề xuất xử lý các trường hợp tạm đình chỉ điều tra; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội trong các vụ án tạm đình chỉ.”[4] và đã triển khai thực hiện khẩn trương, toàn diện, xuyên suốt trong năm qua.
Để đảm bảo nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện nội dung nhiệm vụ này, Viện trưởng VKSND tỉnh đã tiến hành kiểm tra đột xuất ngay trong Quý I/2023 tại 9/9 đơn vị VKSND cấp huyện. Từ đó, đã ghi nhận chính xác những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, thiếu sót. Nhìn chung, lãnh đạo các đơn vị có thường xuyên chỉ đạo và cán bộ, Kiểm sát viên có quan tâm theo dõi, quản lý, kiểm sát các hồ sơ vụ việc, vụ án tạm đình chỉ, đảm bảo việc tạm đình chỉ là có căn cứ, đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn có nơi, có lúc, có một số vụ việc còn chưa sâu sát, chưa kịp thời trong công tác theo dõi, chưa chủ động, chặt chẽ trong quan hệ phối hợp với các cơ quan có liên quan, chưa quyết liệt, dứt khoát trong việc đề ra phương án xử lý. Viện trưởng VKSND tỉnh đề nghị có giải pháp khắc phục khẩn trương, đảm bảo đúng quy định.
Cán bộ VKSND tỉnh Trà Vinh trực tiếp kiểm tra các hồ sơ tạm đình chỉ
Chỉ đạo việc kiểm tra công tác 6 tháng đầu năm 2023 tại VKSND các huyện, thị xã, thành phố, Viện trưởng VKSND tỉnh lưu ý Đoàn kiểm tra quan tâm, chú trọng vào tiến độ, hiện trạng xử lý các hồ sơ tạm đình chỉ đã kiểm tra trong Quý I/2023 cũng như những vụ án, vụ việc tạm đình chỉ mới phát sinh trong Quý II/2023.
Đến Quý III/2023, VKSND tỉnh ra kế hoạch kiểm tra chuyên đề nghiệp vụ và trực tiếp tiến hành tổng rà soát, rút toàn bộ các hồ sơ kiểm sát nguồn tin về tội phạm và vụ án hình sự đang tạm đình chỉ tại các huyện trên địa bàn để nghiên cứu, kiểm tra và tham mưu Viện trưởng ra kết luận, phương hướng chỉ đạo. Phòng 1 chủ trì phối hợp với Phòng 7, đồng thời trưng dụng một số Kiểm sát viên các khâu công tác khác tập trung thực hiện công tác kiểm tra, đảm bảo sâu sát, chặt chẽ, kịp thời phát hiện những hồ sơ còn sai sót, vi phạm, tránh bỏ lọt tội phạm cũng như không để xảy ra oan sai khi phục hồi giải quyết. Qua kiểm tra chi tiết hồ sơ 78 nguồn tin và 165 vụ án/21 bị can đang tạm đình chỉ do VKSND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đang theo dõi, quản lý; nhận thấy hầu hết các vụ việc tạm đình chỉ đều có căn cứ, Kiểm sát viên thực hiện các thao tác nghiệp vụ đầy đủ, đúng quy chế của Ngành; nhiều vụ việc tồn đọng đã được giải quyết, giúp kéo giảm số lượng vụ án, vụ việc tạm đình chỉ. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đã phát hiện một số hạn chế, thiếu sót điển hình như: Kiểm sát viên chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc phối hợp, yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, dấu vết, truy nóng đối tượng gây án khi mới xảy ra trong một số vụ việc; có những vụ việc chứng cứ tương đối rõ nhưng chưa kiên quyết xử lý; một số nguồn tin do có sự thay đổi chính sách pháp luật nên không còn là tội phạm nhưng không yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố; không ra quyết định phục hồi giải quyết khi lý do tạm đình chỉ không còn; một số trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa ra quyết định đình chỉ;… Công bố kết luận kiểm tra, VKSND tỉnh đã đồng thời yêu cầu VKSND cấp huyện sớm có biện pháp xử lý triệt để đối với 17 nguồn tin, 29 vụ án cần phục hồi, làm rõ; 05 nguồn tin có căn cứ ra quyết định không khởi tố và 07 vụ án đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự phải đình chỉ theo quy định;…
Đồng chí Phạm Thanh Lân – Trưởng Phòng 1 VKSND tỉnh Trà Vinh công bố
Kết luận kiểm tra vụ việc, vụ án hình sự tạm đình chỉ tại VKSND huyện Duyên Hải
Bên cạnh kiểm tra cấp dưới, VKSND tỉnh cũng đã tiến hành tự rà soát kiểm tra hồ sơ kiểm sát đối với 41 nguồn tin và 34 vụ án/22 bị can tạm đình chỉ giải quyết do cấp tỉnh đang theo dõi, quản lý. Qua đó, kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện thiếu sót và chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Cơ quan điều tra khẩn trương khắc phục, xử lý đúng quy định.
3. Những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Còn tội phạm, còn thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm và các vụ án hình sự thì chắc chắn sẽ còn các trường hợp tạm đình chỉ. Do đó, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ là công tác lâu dài, xuyên suốt trong hoạt động của VKSND. Thời gian tới, để công tác này được thực hiện hiệu quả, kịp thời hơn nữa, VKSND hai cấp tỉnh Trà Vinh xác định các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, kiểm tra công tác quản lý, theo dõi, giải quyết vụ việc, vụ án tạm đình chỉ; nơi nào để xảy ra sai sót, vi phạm trong công tác này thì trước hết trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Bên cạnh đó, Kiểm sát viên các đơn vị cần sâu sát hơn nữa trong quản lý, theo dõi, xử lý các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo tinh thần Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024[5]. Thực hiện đúng Quy định về việc quản lý hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tạm đình chỉ và hồ sơ vụ án hình sự tạm đình chỉ của VKSND (Ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 14/02/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao).
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng – Viện trưởng VKSND tỉnh Trà Vinh
phát biểu chỉ đạo tại VKSND thị xã Duyên Hải
Hai là, đảm bảo công tác theo dõi, quản lý án tạm đình chỉ xuyên suốt, liên tục, nhất là trong các trường hợp có sự thay đổi Kiểm sát viên, lãnh đạo phụ trách của các đơn vị. Đối với những người được phân công kiểm sát hồ sơ vụ án, vụ việc phải làm hết trách nhiệm trước khi bàn giao hồ sơ nếu có sự thay đổi Kiểm sát viên do điều động, luân chuyển công tác hoặc lý do khác. Đối với Kiểm sát viên tiếp nhận hồ sơ, phải nắm bắt kịp thời, đầy đủ và phối hợp chặt chẽ trong quá trình kiểm sát. Rà soát định kỳ, thường xuyên, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, nhắc nhở thời hạn, thời hiệu xử lý các vụ, việc tạm đình chỉ, tránh trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không còn căn cứ tạm đình chỉ mà không kịp thời xử lý, để xảy ra tình trạng tồn đọng kéo dài không đáng có.
Ba là, tăng cường chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xác minh, thu thập chứng cứ ban đầu, đảm bảo xử lý tốt các vụ án, vụ việc ngay từ khi tiếp nhận nguồn tin, tiếp cận làm việc với những người có liên quan từ sớm, thực hiện các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế kịp thời, tránh làm phát sinh căn cứ tạm đình chỉ do chưa làm hết trách nhiệm, lạm dụng việc tạm đình chỉ. Đặt quyết tâm cao hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tuyệt đối tránh tâm lý “biến vụ việc khó xử lý thành vụ việc tạm đình chỉ, chờ ngày hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để ra quyết định đình chỉ hoặc không khởi tố” làm vô hiệu hóa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bốn là, thường xuyên bồi dưỡng đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, kinh nghiệm công tác cho Kiểm sát viên thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và các vụ án hình sự; lựa chọn, bố trí công chức có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý hồ sơ các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.
Tác giả: Diệp Minh Quân
Nguồn tin: Phòng 15.
[1] Điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án.
[2] Mục 4 Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
[3] Mục 2 Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023.
[4] Mục 1 Phần II Kế hoạch số 01/KH-VKS ngày 03/01/2023 của VKSND tỉnh Trà Vinh về công tác kiểm sát năm 2023.
[5] Mục 2 Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 yêu cầu các Viện kiểm sát địa phương “Tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan tố tụng rà soát, giải quyết án tạm đình chỉ. Đây không phải là những vấn đề mới nhưng mỗi cán bộ, Kiểm sát viên cần phải nhập tâm sâu sắc hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, sao nhãng sẽ dẫn tới vi phạm và không hoàn thành chức năng, nhiệm vụ”.