Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh                                                                                                                                                                 Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả                                                                                                                                                                 Đoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phát, phát triển                                                                                                                                                                 Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn

Trong những năm gần đây và hiện nay, nhiều tội phạm thường sử dụng phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, đường truyền hoặc các nguồn điện tử khác để thực hiện hành vi phạm tội. Dữ liệu điện tử là một trong những nguồn chứng cứ có thể nói là không kém phần quan trọng để xem xét xử lý hành vi của các đối tượng này.

1- Cơ sở pháp lý

– Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử (khoản 1 Điều 99 BTTHS 2015).

– Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác (khoản 2 Điều 99 BTTHS 2015).

– Khi thu thập, sao lưu dữ liệu điện tử từ mạng máy tính, trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án (khoản 2 Điều 107 BLTTHS 2015).

– Để dữ liệu điện tử được dùng làm chứng cứ là căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án thì phải “có thật và được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2015 quy định” (Điều 86 BLTTHS 2015).

Cho nên, tuy là dữ liệu điện tử có thật, nhưng nếu không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS 2015 quy định, thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự (khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015).

Về quy định pháp luật có liên quan:

– Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự (khoản 2 Điều 3 Luật giao dịch điện tử năm 2023).

– Dữ liệu là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự khác (khoản 6 Điều 3 Luật giao dịch điện tử năm 2023).

– Dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử (khoản 7 Điều 3 Luật giao dịch điện tử năm 2023).

2- Thực tiễn thực hiện thu thập dữ liệu điện tử để giải quyết vụ án hình sự

Mặc dù BLTTHS 2015 đã có một số quy định về chứng cứ dữ liệu điện tử, việc thu thập dữ liệu điện tử như nêu trên, nhưng đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương vẫn chưa có quy định hướng dẫn cụ thể liên quan đến thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử, nên trong thực tiễn, chứng cứ điện tử được thu thập, kiểm tra, đánh giá thường phụ thuộc vào năng lực, trình độ của người trực tiếp thực hiện việc thu thập.

Việc chưa có hướng dẫn cụ thể, nên mỗi cơ quan hay mỗi người trực tiếp thực hiện áp dụng một cách tùy nghi, thường dẫn đến các hệ lụy như:

Thứ nhất, thu thập chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất của chứng cứ điện tử hoặc bỏ sót những dữ liệu mà người dùng (đối tượng) đã xóa bỏ…

Thứ hai, trường hợp các đối tượng sử dụng mạng xã hội facebook để thực hiện hành vi phạm tội, thì “dữ liệu điện tử” liên quan được lưu trên máy chủ của bên thứ ba (trung tâm dữ liệu chính của facebook được đặt tại Prineville, bang Oregon, Mỹ), nên nếu như đối tượng sau khi đã thực hiện hành vi phạm tội lại xóa bỏ thông tin dữ liệu hoặc chặn người lạ xem thông tin của đối tượng, thì vấn đề này là một trong những trở ngại lớn, hầu như người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (hay người thực hiện việc thu thập) không trích xuất (sao chép, sao lưu) được thông tin lẽ ra cần phải được thu thập.

Thứ ba, để giải quyết vụ án hình sự có chứng cứ là dữ liệu điện tử, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có kiến thức về các loại hình dữ liệu điện tử, có sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin. Thực tiễn cho thấy, ở những vụ án phức tạp, đối tượng sử dụng những thủ đoạn tinh vi, dấu vết tội phạm để lại ở dữ liệu mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác đòi hỏi phải tiếp cận nguồn cơ sở dữ liệu đã được mã hóa, chặn thu dữ liệu trên đường truyền (giữa máy chủ – máy chủ, máy tính cá nhân – máy chủ,…), giải mã dữ liệu đã mã hóa,… thì cần phải có sự kết hợp (phối hợp) với các tổ chức chuyên môn, các chuyên gia hoặc cơ quan chuyên môn (cơ quan thứ ba). Việc chờ đợi kết quả từ các cơ quan thứ ba đôi khi liên quan đến vấn đề thời hạn tố tụng. Đối với những vụ án mà chứng cứ điện tử là căn cứ quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội của đối tượng thì điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết vụ án. Chính vì vậy, đòi hỏi cần phải có cơ chế phối hợp tốt và kịp thời giữa cơ quan thứ ba với cơ quan tiến hành tố tụng để việc giải quyết vụ án hình sự liên quan đến nguồn chứng cứ dữ liệu điện tử, thu thập chứng cứ dữ liệu điện tử và cả vấn đề giám định chứng cứ là dữ liệu điện tử.

Thứ tư, nhiều trường hợp dữ liệu điện tử do người (chủ thể) không phải là người tiến hành tố tụng thực hiện việc thu thập rồi chuyển hóa thành tài liệu vật chất (ví dụ như tài liệu giấy, in hình ra giấy…), thì hầu như việc thu thập không theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, nên những tài liệu này không được dùng làm chứng cứ, do bởi không có giá trị pháp lý, không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự (vấn đề này đã được quy định rõ tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS 2015).

Thứ năm, việc thu thập và lập biên bản thu thập dữ liệu điện tử trên không gian mạng, trong bộ nhớ lưu trữ của thiết bị điện tử cụ thể, thì mỗi chủ thể tiến hành tố tụng lập một cách tùy nghi, không theo một quy trình nhất định, nhất là nội dung biên bản không nêu rõ nguồn thể hiện dữ liệu điện tử, không nêu rõ phương tiện hay thiết bị đang lưu trữ (hoặc có nêu phương tiện, thiết bị lưu trữ nhưng ghi chung chung, không mô tả đặc điểm kỹ thuật), không nêu rõ ngày giờ hình thành dữ liệu điện tử (đây là cách thức đối tượng khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử)…

3- Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện thu thập dữ liệu điện tử dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự

Từ những cơ sở pháp lý và lý luận như nêu trên, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện thu thập dữ liệu điện tử dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự thì cần thiết phải có những giải pháp sau đây:

Một là, bản thân mỗi chủ thể tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán) cần phải tự tìm hiểu, nghiên cứu hoặc học hỏi kinh nghiệm để tích lũy cho bản thân những vấn đề cơ bản về dữ liệu điện tử, cách thức dữ liệu điện tử được khởi tạo, môi trường lưu trữ dữ liệu điện tử, nơi dữ liệu điện tử được lưu trữ trong thiết bị điện tử hay phương tiện điện tử…

Hai là, chủ thể của cơ quan tiến hành tố tụng là người thực hiện việc thu thập dữ liệu điện tử, khi lập biên bản thì nội dung biên bản phải nêu rõ nguồn thể hiện dữ liệu điện tử, nêu rõ phương tiện hay thiết bị đang lưu trữ nếu có (mô tả đặc điểm kỹ thuật), nêu rõ ngày giờ hình thành dữ liệu điện tử, tên của dữ liệu điện tử do người thực hiện đặt…

Ba là, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án từ cấp tỉnh trở lên cần tổ chức mỗi năm ít nhất một lớp tập huấn cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán về kiến thức công nghệ thông tin, đặc tính kỹ thuật lưu trữ dữ liệu của thiết bị điện tử hoặc phương tiện điện tử, nhất là cung cấp kỹ năng thu thập, đánh giá dữ liệu điện tử cho mỗi chủ thể tiến hành tố tụng nắm để vận dụng.

Bốn là, cơ quan hữu quan thứ ba (nhất là cơ quan giám định, cơ quan đang lưu trữ dữ liệu điện tử) cần có sự phối hợp tốt, kịp thời, chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng khi cơ quan tiến hành tố tụng có yêu cầu liên quan đến việc cung cấp dữ liệu điện tử, giám định dữ liệu điện tử…

4- Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, qua tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến dữ liệu, dữ liệu điện tử và thực trạng như đã nêu, kết hợp với quy định của Luật giao dịch điện tử được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2023, có hiệu lực ngày 01/7/2024, thay thế Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11. Theo khoản 2, khoản 6 và khoản 7 Điều 3 Luật giao dịch điện tử năm 2023 giải thích thì:

“Dữ liệu là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự khác. Dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Phương tiện điện tử là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự”.

Đối chiếu với khái niệm được nêu tại khoản 1 Điều 99 BLTTHS 2015 thì: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử”. Như vậy, thuật ngữ “xử lý” trong nội dung khái niệm của Luật giao dịch điện tử năm 2023 nêu thể hiện tính bao quát hơn so với thuật ngữ “truyền đi, nhận được” trong nội dung khái niệm của BLTTHS 2015 nêu. Do bởi, trong công nghệ thông tin thì ở giữa công đoạn khởi tạo dữ liệu và lưu trữ dữ liệu là công đoạn xử lý dữ liệu (data processing) bao gồm: chỉnh sửa, lọc, sắp xếp, phân tích, truyền đi, nhận được…

Từ những cơ sở như nêu trên, thiết nghĩ Quốc hội cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định của BLTTHS như sau:

– Bổ sung hai từ “xử lý” thêm vào khoản 1 Điều 99 BLTTHS 2015. Nguyên văn sau khi bổ sung trở thành: “Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, xử lý, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử”.

– Bổ sung nội dung “biên bản về việc thu thập dữ liệu điện tử phải nêu rõ nguồn thể hiện dữ liệu điện tử, phương tiện hay thiết bị đang lưu trữ nếu có (mô tả đặc điểm kỹ thuật), ngày giờ hình thành dữ liệu điện tử, tên của dữ liệu điện tử do người thực hiện đặt (loại tập tin và bao gồm cả phần mở rộng nếu là tập tin tin học)”. Nguyên văn sau khi bổ sung vào khoản 2 Điều 107 BLTTHS 2015 trở thành: “Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Biên bản về việc thu thập dữ liệu điện tử phải nêu rõ nguồn thể hiện dữ liệu điện tử, phương tiện hay thiết bị đang lưu trữ nếu có (mô tả đặc điểm kỹ thuật), ngày giờ hình thành dữ liệu điện tử, tên của dữ liệu điện tử do người thực hiện đặt (loại tập tin và bao gồm cả phần mở rộng nếu là tập tin tin học)”.

Thứ hai, liên ngành tố tụng trung ương cần thiết ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn quy định của BLTTHS 2015 liên quan đến việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ là dữ liệu điện tử, trong đó quy định rõ cách thức, trình tự, quy trình thu thập dữ liệu điện tử trên không gian mạng, trong bộ nhớ lưu trữ của thiết bị điện tử hoặc phương tiện điện tử; việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ là dữ liệu điện tử; trách nhiệm của cá nhân, cơ quan tiến hành tố tụng; mối quan hệ phối hợp của các cơ quan hữu quan trong việc cung cấp, tham gia thu thập dữ liệu điện tử, giám định dữ liệu điện tử do cơ quan tố tụng yêu cầu…

Tác giả: Ths. Nguyễn Văn Tươi

Nguồn tin: Phòng 1 Viện KSND tỉnh Trà Vinh