Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh                                                                                                                                                                 Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả                                                                                                                                                                 Đoàn kết, kỷ cương, hành động, sáng tạo, đột phát, phát triển                                                                                                                                                                 Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn

Thực hiện Nghị quyết số: 03-NQ/CB ngày 27/01/2023 của Chi bộ Viện kiểm sát nhân dân huyện Cầu Kè nghị quyết xây dựng Chi bộ năm 2023. Ngày 22/3/2023 Chi bộ Viện kiểm sát tổ chức cuộc họp sinh hoạt chuyên đề quý I năm 2023 về “Xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” đến toàn thể đảng viên của Chi bộ.

Trong thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng nêu ra và chỉ đạo từ rất sớm, bằng nhiều Chỉ thị, Nghị quyết qua nhiều thời kỳ. Nhất là Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khoá XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan toả sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội. Sinh thời, khi đề cập đến đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” thường được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều nhất. Trong Di chúc để lại, một lần nữa Bác nhấn mạnh: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Lời dạy ấy của Bác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhân văn và tính thời sự, có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Nhận thức được việc rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của cán bộ, đảng viên là rất quan trọng, ngay từ đầu năm, Chi bộ đã chọn nội dung rèn luyện phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên học tập và làm theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích ý nghĩa và mối liên quan của những từ này một cách đơn giản, rõ ràng và rất dễ hiểu, gồm:

Cần: Tức là lao động cần cù, siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng. Cần còn là làm việc một cách thông minh, sáng tạo, có kế hoạch, khoa học. Theo Bác, con người có đức “cần” thì việc gì dù khó khăn đến mấy cũng làm được, “Kiến tha lâu cũng đầy tổ, nước chảy mãi đá cũng mòn”. Bác lưu ý, kẻ địch của “cần” là lười biếng. Nếu có một người, một địa phương, hoặc một Ngành mà lười biếng thì khác nào toàn chuyến xe đang chạy, mà có một bánh trật ra ngoài đường ray. Họ sẽ làm chậm trễ cả một chuyến xe. Vì vậy người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc.

Kiệm: Tức là tiết kiệm sức lao động, thời gian, tiền của dân, của nước, của bản thân; không phô trương hình thức, xa xỉ, hoang phí. Cần và kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của con người. Cần mà không kiệm thì như gió vào nhà trống, như nước đổ vào cái thùng không đáy, làm chừng nào xào chừng ấy, rốt cuộc không lại hoàn không. Kiệm mà không cần thì không tăng thêm và không phát triển được. Đồng thời, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, khi không đáng tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, nhưng khi có việc cần làm lợi cho dân, cho nước thì hao bao nhiêu của, tốn bao nhiêu công cũng vui lòng, như thế mới là kiệm.

Liêm: Nghĩa là trong sạch, luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công, của dân không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ. Chữ “liêm” và chữ “kiệm” phải đi đôi với nhau như chữ “kiệm” phải đi đôi với chữ “cần”. Có kiệm thì mới liêm được, bởi xa xỉ ắt sinh tham lam, không giữ được liêm. Bác cũng chỉ rõ ngược lại với chữ liêm là tham ô, là ăn cắp của công làm của tư, đục khoét nhân dân, tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của nhà nước là quỹ riêng cho cá nhân mình. Muốn liêm thật sự thì phải chống tham ô.

Chính: Nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn tức là tà. Nói về chính, Bác viết: “Một người phải cần, kiệm, nhưng còn phải chính nữa mới là người hoàn toàn. Trên quả đất có hàng muôn triệu người sống, số người ấy có thể chia thành hai hạng: Người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc, song, những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc chính và việc tà. Làm việc chính là người thiện, làm việc tà là người ác”. Như vậy, chính tức là việc gì có lợi cho dân thì dù nhỏ cũng hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng hết sức tránh. Cán bộ, công chức là những người làm việc công cho nên “Chính” còn là sự công tâm, công đức khi giải quyết công việc.

Chí công: Là hết mực công bằng, công tâm.

Vô tư: Là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư huệ hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc. Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng chủ nghĩa cá nhân.

Qua cuộc sinh hoạt chuyên đề, mỗi đảng viên đều nhận thức sâu sắc, ý nghĩa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là rất cân thiết, việc rèn luyện phẩm chất “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”” theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong thực hiện nghiệm vụ được phan công, trong sinh hoạt, học tập, lao động,..… Từ đó xác định được trách nhiệm, vị trí công tác của bản thân, đồng thời vận dụng đúng đắn và hiệu quả vào việc thực hiện nhiệm vụ được phân công góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đơn vị cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Đồng chí Võ Hoàng Dũng – Bí thư Chi bộ tuyên bố lý do

Đảng viên phát biểu thảo luận

Tác giả bài viết: Thái Thị Thể

Nguồn tin: VKSND huyện Cầu Kè